image banner
Năm 2023 đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu - Thực hiện chuyển đổi số
Giới thiệu về xã Du Lễ
Lượt xem: 48
Xã Du Lễ nằm về phía Tây Nam huyện Kiến Thụy, Bắc giáp xã thuận thiên, Đông giáp xã Thụy Hương, Tây giáp xã Ngũ Phúc và xã An Thái (An Lão), Nam giáp xã Kiến Quốc
1. Địa giới hành chính

Xã Du Lễ nằm về phía Tây Nam huyện Kiến Thụy, Bắc giáp xã thuận thiên, Đông giáp xã Thụy Hương, Tây giáp xã Ngũ Phúc và xã An Thái (An Lão), Nam giáp xã Kiến Quốc. Từ trung tâm xã theo đường 402 về đến trung tâm huyện lỵ 6,2 km. Tổng diện tích tự nhiên của xã: 301,6 ha.
Vùng đất này từ xa xưa có tên là trang Du Lễ, trước năm 1945 là một xã thuộc tổng Nghi Dương. Sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945, tổng Nghi Dương đổi tên thành xã Ngũ Phúc gồm các thôn : Du Lễ, Tú Đôi, Xuân Dương, Mai Dương và Nghi Dương. Thời kỳ cải cách ruộng đất năm 1956, thôn Du Lễ và Tú Đôi được tách ra thành lập xã Kiến Quốc. Trước yêu cầu đổi mới, ngày 10/01/2004 Chính phủ ban hành Nghị định số 18/2004-NĐ/CP về việc thành lập xã Du Lễ.
Xã Du Lễ hiện nay có 5 thôn. Thôn 1 có tên cũ là xóm Vải (Cát Bối). Thôn 2 có tên cũ là xóm Bến (An Mỹ). Thôn 3 có tên cũ là xóm Trung ( xóm Mít). Thôn 4 có tên cũ là xóm Chùa ( hay xóm Độ). Thôn 5 có tên cũ là xóm Đan.
Theo số liệu thống kê ngày1 tháng 4 năm 2009, số dân của xã Du Lễ là 4819 người. Mật độ dân số trên 1600 người/km2 . Cả xã có 14 dòng họ và 1264 hộ dân. Số người trong độ tuổi lao động chiếm 57,8% dân số, trong đó lao động nông nghiệp chiếm 31,7%, các hoạt động kinh doanh sản xuất thương mại và dịch vụ chiếm 24,65%, còn lại là các ngành nghề khác.
Số đông dân Du Lễ theo đạo Phật. Cộng đồng dân cư Du Lễ có truyền thống đoàn kết gắn bó lâu đời, xây dựng và bảo vệ quê hương ngày càng giàu đẹp và phát triển.

2. Lịch sử, truyền thống

Du Lễ là quê hương của hai danh tướng Trương Nữu ( thế kỷ VIII) và Vũ Hải (thế kỷ XIII) được khắc ghi vào trong lịch sử dân tộc. Trương Nữu là công thần bậc nhất của triều đình Bố Cái đại vương Phùng Hưng, sau khi mất ông được ban tước Thái Vương đại tướng quân và biển nghạch Phùng gia Huân tướng. Vũ Hải là một danh tướng thời Trần có tài cầm quân đánh thủy, do lập công trong cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên lần thứ 2 (1285) được vua phong chức Phó đô Ngự sử. Trong cuộc kháng chiến chống quân Mông – Nguyên lần thứ 3 (1288) ông đã anh dũng hy sinh trong trận thủy chiến ở vùng cửa Đại Bàng, được vua truy phong là Bạt Hải Đại Vương.
Năm 1880 ở Du Lễ xuất hiện hội kín do cụ Đào Bá Xoan làm chánh Lãnh binh, cụ Tăng Văn Trùng làm phó Lãnh binh đã tập hợp trai làng phối hợp cùng với hội kín Kim Sơn (Tân Trào), Mỹ Lang (An Lão) khởi binh đánh đồn Tây ở phố Hàng Bè ( Kiến An) đồn Cầu Rào. Do cuộc chiến không cân sức, lực lượng nổi dậy bị thất bại, các chiến binh đã anh dũng hy sinh.
Dưới sự lãnh đọa của Đảng, người dân Du Lễ đã tích cực tham gia các phong trào cách mạng. Tiêu biểu có ông Hoàng Sỹ Yết vào Đảng Cộng sản và tham gia Cách mạng từ năm 1930. Tháng 8/1945 chính quyền Cách mạng của địa phương ra đời. Ngày 16/4/1947, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở địa phương được thành lập. Những năm trường kỳ kháng chiến gian khổ hy sinh, quân dân xã Du Lễ đã kiên cường bám trụ, dũng cảm chiến đấu giải phóng quê hương, góp phần vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân dân Du Lễ đã thể hiện được ý chí kiên cường Cách mạng, sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi bảo vệ vững chắc quê hương, tích cực chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong sự nghiệp xây dựng CNXH và thực hiện công cuộc đổi mới, xã Du Lễ trở thành điểm sáng với các phong trào trồng cây gây rừng; phát triển cây rau màu, đặc biệt và cây cải Tàu có giá trị kinh tế cao; cải tiến quản lý hợp tác xã; tổ chức các đội chuyên có hiệu quả; phát triển nghành nghề giải quyết việc tăng nguồn thu lớn; năng động sáng tạo tìm hướng đột phá phát triển đi lên.
Nhân dân Du Lễ tự hào là địa phương đã được Đảng và Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Kháng chiến hạng ba (1973), Huân chương Lao động hạng ba (1960, 1974, 2004), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ ( 1981, 1998, 2006 ). Cả xã có5 bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu “ Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”; 345 cá nhân được tặng Huân, Huy chương các loại (trong đó có 335 Huân, Huy chương kháng chiến, 1 Huân chương độc lập hạng Ba, 1 Huân chương lao động hạng Ba, 8 Huân chương chiến công). Xã có 613 người tham gia quân đội, 85 liệt sỹ, 51 thương bệnh binh và 71 thanh niên xung phong.

3. Kinh tế

Cơ cấu kinh tế hiện nay của xã Du Lễ chủ yếu vẫn là nông nghệp kết hợp với phát triển ngành nghề sản xuất, kinh doanh thương mại dịch vụ. tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm qua đạt 13,5%. Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế đang là xu thế chung nâng dần tỷ trọng các nghành tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ theo hướng tiến bộ.
Diện tích đất nông nghiệp 200 ha; trong đó diện tích đất trồng được 2 vụ lúa và 1 vụ màu 60 ha, diện tích vùng sâu trũng ngập nước quanh năm 40,5 ha. Địa phương đang hình thành các vùng chuyên canh lúa, cây rau màu, nuôi trồng thủy sản và phát triển kinh tế trang trại, gia trại. các cơ sở sản xuất nhỏ sửa chữa máy nông cụ, xe máy, đồ dùng dân đụng đang phát triển.
Cả xã có 152 cơ sở thu gom phế liệu, sắt vụn, thu hút 1190 lao động, doanh thu trung bình hàng năm đạt 20 – 30 tỷ VND.
Chợ Mõ thuộc xã Du Lễ là trung tâm giao lưu buôn bán hàng hóa lớn của cả vùng gồm các xã Du Lễ, Kiến Quốc, Ngũ Phúc và An Thái, An Thọ ( An Lão); chợ chiều Du Lễ phục vụ nhu cầu hàng ngày của nhân dân địa phương.
Đường 402 qua địa bàn xã dài 2,5 km. đường liên xã từ trung tâm xã đến thôn Hòa Liễu xã Thuận Thiên dài 1,2 km. Đường phủ nhựa liên thôn 2,13 km, đạt 100%, bê tông ngõ xóm 12km, đạt 100%. Cả xã có 35 xe ô tô vận tải; phương tiện vận chuyển thông dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp vẫn là xe cải tiến và thuyền gỗ.
Thu nhập bình quân đầu người 2008 trên 12 triệu VNĐ ( chưa thống kê hết nguồn thu của người đi lao động ở xa).
Hộ có nhà xây mái bằng kiên cố 70% và dùng nước hợp vệ sinh chiếm 97% dân số.
Tỷ lệ người dùng điện thoại 60 máy/100 dân, xe máy 2 người/xe; tỷ lệ hộ có ti vi chiếm 100%.
Cuộc vận động xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, các hoạt động nhân đạo từ thiện phát triển sâu rộng theo hướng xã hội hóa, ngày càng phát huy hiệu quả. Đời sống của người dân không ngừng được cải thiện nâng cao.
Tỷ lệ hộ nghèo 9% theo tiêu chí mới.

4. Văn hóa xã hội

Du Lễ là một cổ được đánh giá là làng có văn học, phong tục thuần hậu, trải suốt chiều dài lịch sử người dân Du Lễ không ngừng vun đắp truyền thông yêu nước, cần cù lao động, kiên cường chống áp bức bóc lột, chống giặc ngoại xâm, bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc.
Văn hóa cổ truyền và tín ngưỡng ở Du Lễ khá phong phú. Miếu Đông và miếu Đoài của xã đã được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Miếu Đoài thờ Thái vương Trương Nữu đại tướng quân. Miếu Đông thờ công thần Bạt hải đại tướng quân Vũ Hải. Chùa Đồng Mục có từ thời nhà Trần và chùa Trúc Am có từ thời nhà Mạc đã được xếp hạng di tích lịch sử văn háo cấp thành phố. Lễ hội ở đình làng và ở miếu Đông, miếu Đoài được tổ chức với nghi lễ rất trọng thể vào tháng Chạp (âm lịch) hàng năm. Vào tiết thu tháng 8 (âm lịch) các nam thanh, nữ tú trong làng thường tổ chức bơi thuyền, hát đúm trên đầm nước Cửa Phủ, Du Lễ có nhiều người nổi tiếng hát hay một thời được hâm mộ.
Hương ước các làng ngày nay có sự kế thừa nết đẹp truyền thông, xây dựng đời sống văn hóa mới vui tươi lành mạnh. Thiết chế văn hóa đồng bộ. Nhà văn hóa, đài phát thanh, bưu điện văn hóa xã hoạt động hiệu quả. Phong trào văn nghệ - thể thao quần chúng khá phát triển.
Xưa kia người Du Lễ có chí hướng học hành, có nhiều bậc túc nho tiêu biểu. ông Bùi Đức Thiệu đỗ Đệ nhị giáp tiến sỹ xuất thân ( Hoàng giáp) lúc 30 tuổi, khoa thi năm Canh Tuất (1940) đời vua Lê Thánh Tông, làm quan đến chức Tự Khanh. Theo văn bia ở Văn Miếu phủ Kiến Thụy thời vua Minh Mạng (1821) ghi rõ làng Du Lễ tổng Nghi Dương danh sách 17 vị tri thức đỗ trung đại khoa. Đầu thế kỷ XX, vè Nho học nổi tiếng một vùng là các cụ Khanh, khóa Hoàn, khóa Đội, khóa Ba và cụ Cao Văn Trửu.
Phát huy truyền thống hiếu học, giáo dục của xã Du Lễ dưới chế độ mới không ngừng phát triển về quy mô và chất lượng. Xã xóa mù chữ năm 1959, hoàn thành phổ cập tiểu học năm 1990, trung học cơ sở năm 2000, phổ cập trung học và nghề năm 2008. Trường tiểu học là trường chuẩn Quốc gia gia đoạn I. Cả ba trường mầm non, tiều học và trung học cơ sở đều đạt danh hiệu trường tiên tiến cấp huyện nhiều năm liền.
Số người có học vị tiến sỹ: 3 người, thạc sỹ: 12 người, đại học, cao đẳng 297 (thống kê cả người thoát ly).
Dưới chế độ mới công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân đạt được nhiều kết quả. Năm 2008 xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế. liên tục nhiều năm liền không để xảy ra dịch bệnh trên địa bàn. Trạm y tế xã đảm bảo đủ điều kiện khám chữa bệnh thông thường cho nhân dân địa phương. Xã là địa bàn trắng về ma túy.

5. Định hướng phát triển

Du Lễ là một xã có tiềm năng về lao động, đất đai và phát triển nghành nghề. Kinh tế nông nghiệp hướng vào quy hoạch phát triển vùng lúa cao sản, vùng chuyên canh cây rau màu sạch; lấy cây cải Tàu truyền thống làm trọng tâm, đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản ở vùng sâu trũng. Phát triển nghành nghề dịch vụ nông nghiệp, gia công công nghiệp, tổ chức lại hoạt động kinh doanh dịch vụ thu gom phế liệu, sắt vụn theo hướng công nghiệp. Lập tua du khảo đồng quê, điểm nhấn là thăm quan các di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng: Đền Mõ, miếu Đông, miếu Đoài, chùa Trúc Am và đền Đồng Mục.
Phát triển trung tâm thương mại dịch vụ vùng tại khu vực chợ Mõ. Trung tâm phát triển theo dọc trục đường 402 của huyện đi qua địa bàn (2 km).
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Tin mới